Bén duyên với nghề kiến trúc từ lúc học lớp 5 trường làng, và quyết tâm trở thành Kiến trúc sư vì nghĩ ngành này kiếm được nhiều tiền, nhưng phải đến khi thực sự dấn thân với nghề, KTS Nguyễn Kava (Văn phòng kiến trúc Story Architecture) mới hiểu: Kiến trúc sư là nghề mang tính chất cống hiến và phục vụ xã hội nhiều hơn là kiếm tiền.

Từ Nhà Mẹ Tạp Dề, Salem House, đến Nhà phố 5x20, Ngọc House, những công trình của KTS Nguyễn Kava và Văn phòng kiến trúc Story Architecture luôn nhận được nhiều lời khen ngợi và quan tâm theo dõi từ độc giả của Happynest. Không chỉ xử lý được những nhược điểm cơ bản của nhà ống, nhà phố, công trình của Story Architecture còn mang lại giá trị thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của chủ nhà cũng như đảm bảo tính bền vững của căn nhà trong tương lai.

Để tìm hiểu rõ hơn về triết lý thiết kế cũng như hành trình làm nghề của Văn phòng kiến trúc Story Architecture, Happynest đã có buổi trao đổi ngắn với KTS Nguyễn Kava - Kiến trúc sư trưởng kiêm CEO của Story Architecture trong bài viết dưới đây:

Xin chào KTS Kava, trước hết, Happynest mời anh Kava chia sẻ khái quát về hành trình trở thành kiến trúc sư và những dấu ấn trong sự nghiệp kiến trúc của anh tính đến thời điểm hiện tại?

Lúc học lớp 5 trường làng, tôi được cô giáo dạy tiếng Anh giới thiệu các nghề nghiệp như doctor, engineer, architect… Nghe cô giáo nói thì tôi hình dung kiến trúc sư là một ngành nghề sáng tạo, nổi tiếng, và kiếm được nhiều tiền. Từ đó tôi ý thức và nỗ lực học tập để lớn lên sẽ trở thành một kiến trúc sư giỏi. Nhưng sau khi học hành chăm chỉ và tốt nghiệp đi làm, tôi mới biết kiến trúc sư thực chất là ngành nghề mang tính cống hiến và phục vụ xã hội nhiều hơn chứ không phải là một ngành nghề có thể kiếm ra nhiều tiền.

Dấu mốc sự nghiệp kiến trúc lớn của tôi là năm 2014, sau 5 năm đi làm tại nhiều công ty kiến trúc khác nhau, tôi thấy công ty nào cũng chạy theo doanh số, lợi nhuận, làm ra các sản phẩm không tốt. Bởi vậy, tôi quyết định mở công ty và văn phòng kiến trúc riêng để được làm kiến trúc đúng nghĩa, tự tôi nghiên cứu nhiều giải pháp kiến trúc để cống hiến cho cộng đồng.

Trong số các công trình nhà ở đã thiết kế và hoàn thiện, căn nhà nào để lại ấn tượng đặc biệt nhất với anh. Tại sao lại như vậy?

Mỗi căn nhà có một câu chuyện riêng, và căn nhà nào cũng đem lại sự thú vị cũng như niềm cảm hứng làm việc cho tôi. Tiêu chí làm việc của tôi là “kiến trúc vô ngã”, tôi không giới hạn thiết kế dựa vào một sở thích, hay một ấn tượng về hình thức hoặc thể loại dự án nào, mà luôn cố gắng đưa ra những giải pháp kiến trúc với từng khách hàng để phù hợp với nhu cầu sinh hoạt, điều kiện kinh tế của họ, cũng như phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội nơi họ sinh sống.

Theo anh, điều gì là quan trọng nhất khi thiết kế một căn nhà?

Chính là điều mà các thầy cô luôn giảng dạy từ lúc học cho tới lúc ra trường. Đó là 8 chữ tôi luôn ghi nhớ: Công năng - Bền vững - Thẩm mỹ - Kinh tế. Khi kinh tế xã hội khó khăn thì từ Kinh tế luôn nằm trước từ Thẩm mỹ, và nhờ sự sắp xếp như vậy, chúng ta có thể hiểu được giá trị cốt lõi của một công trình kiến trúc.

Như lúc sơ khai con người sống ngoài thiên nhiên chịu mưa nắng, thì họ sẽ vào hang đá ở để được che chở và có không gian nghỉ ngơi tốt hơn. Sau đó ở lâu, con người có nhiều nhu cầu hơn nên hang đá không còn đáp ứng được nữa vì bí bách, thiếu vệ sinh… Bởi vậy, con người mới ra ngoài tìm cách dựng lều, dựng nhà chia phòng… nhằm cải tạo môi trường tự nhiên khắc nghiệt của mưa nắng, nguy hiểm từ thú dữ… Vậy nên, điều quan trọng cốt lõi thiết kế một căn nhà là làm cho cuộc sống của gia chủ có chất lượng tốt hơn về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Anh nghĩ sao về quan điểm chỉ cần mua lại bản vẽ là xây được nhà?

Việc mua một bản vẽ để xây nhà tốt hơn là việc cùng nhà thầu đi xem nhà rồi làm giống như vậy. Nhưng việc mua bản vẽ không phải là phương án tốt nhất dành cho chủ nhà. 

Phương án tốt nhất là thuê một đơn vị thiết kế, hoặc một kiến trúc sư thiết kế chuyên nghiệp.

Vì cho dù bạn có miếng đất cũng giống như vậy, nhu cầu các phòng cũng giống như vậy, hướng nắng gió cũng giống như vậy, thì chắc chắn là bao cảnh xung quanh không thể giống như vậy, và nhu cầu cá nhân của mỗi người là hoàn toàn khác nhau. 

Đặc biệt là không có bản vẽ nào hoàn hảo tuyệt đối. Trong lúc xây dựng, sẽ có những điều chưa hợp lý, những điều còn thiếu sót, lúc đó KTS sẽ cần cân chỉnh lại một lần nữa để cho ngôi nhà được chỉn chu nhất. Trong trường hợp có vấn đề phát sinh, ví dụ bạn bất chợt muốn có thêm 1 phòng, hay kinh phí bị thâm hụt và cần bớt đi cái này cái kia… thì lúc này KTS sẽ tư vấn và chỉnh sửa lại sao cho phù hợp nhất. Thực tế khi làm công trình có rất nhiều tình huống tương tự như vậy.

Chúng ta dành cả tuổi trẻ để lao động, để có được tiền mua đất xây nhà, và có thể chúng ta sẽ dùng tất cả khoảng thời gian còn lại để sống trong ngôi nhà đó. Một ngôi nhà có thể chất chứa nhiều cuộc đời, nên tầm quan trọng của nó là rất lớn.

Thuê KTS là để thiết kế cho các cuộc đời sống trong ngôi nhà đó, không phải xây các cột sàng tường cho vững chắc, hay sơn màu xanh đỏ cho đẹp. Bởi vậy thay vì mua bản vẽ nhà, hãy mua kiến trúc sư.

Với góc nhìn của KTS, một căn nhà đẹp và đáng sống là căn nhà như thế nào? Cần đảm bảo những yếu tố gì?

Như tiêu chí tôi có chia sẻ ở câu hỏi trước là nó làm cho chất lượng cuộc sống của gia chủ tốt hơn. Nhưng mỗi gia chủ sẽ có một nhu cầu và triết lý về sống tốt khác nhau, nên sẽ có những yếu tố đảm bảo khác nhau. 

Nhưng nhìn chung, một căn nhà đẹp và đáng sống thì vẫn cần đáp ứng những yếu tố cơ bản. Ngoài yếu tố bắt buộc là bền vững và an toàn, thì ngôi nhà đáng sống là ngôi nhà phục vụ cho con người lúc tĩnh (ngủ) và lúc động (sinh hoạt đi, đứng, ngồi…). Bất kể ở trạng thái nào, ngôi nhà cần giúp người ở trong đó cảm thấy thoải mái thư giãn, giúp cho sự phát triển thể chất và tinh thần tốt hơn. 

Còn một ngôi nhà đẹp thì rất khó nói, có thể đại ý là đẹp về công năng và đẹp về hình thức. Công năng thì như đã nói ở trên, còn hình thức thì tôi chú trọng tới vẻ đẹp theo thời gian, ít lỗi thời, về tỷ lệ, đường nét, hình khối, bố cục…

Theo anh, trong thiết kế một căn nhà, sáng tạo và thực tiễn, điều gì quan trọng hơn? Nếu ý tưởng sáng tạo của anh có thể giải quyết được vấn đề cho chủ nhà, nhưng chủ nhà lại không hiểu và không đồng ý thực hiện, anh sẽ xử lý tình huống này ra sao?

Khi tôi làm thiết kế thì sáng tạo luôn phải dựa trên thực tiễn, không có điều nào quan trọng hơn điều nào. Mọi ý tưởng thiết kế đều phải nhằm giải quyết nhu cầu và khó khăn của chủ nhà ở thực tiễn và tương lai. 

Những kiến trúc sư bậc thầy thế giới như Frank Lloyd Wright khi thiết kế ngôi nhà cho ai, ông đều tìm hiểu rất kỹ, thậm chí có thể xin dọn tới ở cùng trong căn nhà cũ của chủ nhà một tuần, hoặc thuê ở gần chỗ chủ nhà đang ở để xem gia chủ sinh hoạt như thế nào, tới khu đất nghiên cứu kỹ điều kiện thiên nhiên khí hậu… rồi mới dựa vào đó làm ý tưởng.  

Nếu ý tưởng chưa được chủ nhà đồng ý, thì một là cách trình bày của kiến trúc sư chưa tốt, làm chủ nhà không hiểu và không chấp nhận. Trường hợp này, KTS nên tìm cách trình bày lại. Hai là nhu cầu của chủ nhà không phù hợp với ý tưởng của KTS nên kiến trúc sư sẽ cần làm lại ý tưởng mới.

Đã bao giờ anh gặp tình huống chủ đầu tư đột ngột thay đổi phương án thiết kế khi công trình vẫn đang trong thời gian thi công chưa? Anh phản ứng với tình huống này như thế nào?

Cũng gặp rất nhiều, lúc đó tôi sẽ ngồi tư vấn lại với chủ nhà. Những phần thay đổi nào không hợp lý thì tôi sẽ giải thích và bảo vệ phương án thiết kế. Phần nào hợp lý dựa theo nhu cầu thực tế lúc đó của chủ nhà thì tôi sẽ điều chỉnh bản vẽ tốt nhất có thể để chủ nhà đưa ra quyết định có nên thay đổi hay không.

Làm thế nào để hiểu rõ nhu cầu của chủ đầu tư và kiểm soát quá trình thiết kế - hoàn thiện công trình, tránh phát sinh những trường hợp ngoài ý muốn?

Bạn cần lắng nghe thật kỹ và đặt nhiều câu hỏi cho chủ nhà. Phần phát sinh thường là những hạng mục khi hoàn thiện nhà, KTS cần nắm rõ kinh phí gia chủ có thể đầu tư để cân đối khi thiết kế nội thất, những chi tiết vật dụng trong nhà như các tủ đồ, bàn… Cần trao đổi kỹ với chủ nhà để bố trí đủ đáp ứng nhu cầu, và cũng cần chú ý các vật liệu và giá thành, các nguồn cung cấp hiện có trên thị trường.

Quan điểm của anh trong việc lựa chọn vật liệu cho nhà ở là gì? Xuất phát từ đâu anh hình thành và xây dựng nên quan điểm như vậy?

Tiêu chí lựa chọn vật liệu của tôi là: Thân thiện với môi trường. tôi luôn hạn chế dùng gỗ tự nhiên để phù hợp với khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam, đồng thời, chú trọng sử dụng những vật liệu có sẵn tại địa phương, hoặc những vật liệu tốn ít công sức nhất để gia công và thi công. tôi cũng lựa chọn vật liệu theo tiêu chí bền đẹp, không lỗi thời về thẩm mỹ theo thời gian, và phù hợp với tài chính của chủ nhà.

Có thể thấy các công trình của Story Architecture đa phần là nhà ống, nhà phố. Theo anh, điều khó khăn nhất khi thiết kế nhà ống, nhà phố là gì? Anh đã ứng dụng những biện pháp thiết kế nào để xử lý những khó khăn đó?

Nhược điểm cơ bản của nhà ống, nhà phố là diện tích nhỏ, các mặt tiếp xúc với bên ngoài thường hạn chế, dẫn đến việc lưu thông ánh sáng, gió và thiên nhiên gặp nhiều khó khăn. Giải pháp tốt nhất để xử lý những nhược điểm này là khoét các lỗ thông tầng (giếng trời) tại các vị trí phù hợp.

Câu chuyện nào để lại ấn tượng nhiều nhất với anh trong quá trình hành nghề?

Có lần một anh khách hàng ghé văn phòng Story Architecture nhờ thiết kế nhưng lúc đó tôi đã ngừng nhận dự án mới vì quá tải và hẹn anh năm sau. 

Ngay sau đó, tôi lại nhận được tin nhắn book lịch từ một nữ khách hàng khác và tôi cũng từ chối. Tuy nhiên, kiểm tra lại mới biết chị khách này đã liên hệ trước với tôi từ lâu. Với sự chân thành của chị, tôi đành ráng sắp xếp thời gian và đồng ý nhận thiết kế. Ngày gặp mặt để ký hợp đồng, tôi mới ngớ người vì thấy anh khách hàng trước đó tôi đã từ chối lại chở chị khách này tới văn phòng. Hỏi ra mới biết hai anh chị là vợ chồng. Anh khách hàng trách đùa là KTS chỉ thiên vị và ưu tiên phụ nữ. Lúc đó tôi chỉ biết cười.

Cảm ơn KTS Kava vì đã dành thời gian trả lời các câu hỏi phỏng vấn của Happynest. Chúc anh nhiều sức khỏe và luôn gặt hái thành công trong sự nghiệp kiến trúc của mình.

Bài viết: Phương Thảo